Giúp doanh nghiệp của bạn sẵn sàng tham gia metaverse
Lời khuyên của chuyên gia để giúp doanh nghiệp chuẩn bị tham gia metaverse, từ lên kế hoạch đến kiếm tiền

Nội dung
- Làm thế nào để giúp doanh nghiệp sẵn sàng tham gia metaverse
- Marketing trong metaverse
- Kiếm tiền trong vũ trụ ảo
- Tương lai cho các doanh nghiệp trong metaverse
- Câu hỏi thường gặp
Từ khi Facebook đổi tên thành Meta, hàng loạt công ty đã công bố kế hoạch metaverse của mình. Dù là JP Morgan, Disney hay Nike, các công ty đang xem đây là một nguồn doanh thu mới và cơ hội để tăng độ nhận diện thương hiệu.
Tuy nhiên, mỗi công ty tham gia vào metaverse (vũ trụ ảo) theo một cách riêng. Trong khi những công ty truyền thông như Meta và Disney hướng đến việc tạo ra nền tảng của riêng mình thì các công ty như Pfizer lại đang tận dụng lợi thế của các metaverse sẵn có.
Dù tiếp cận theo cách nào, các công ty cũng đang “nhảy” vào cơ hội này. Theo nền tảng online tiếp thị nội dung và quản lý hiển thị hàng đầu Semrush, số lượt tìm kiếm từ khóa “marketing metaverse” đã tăng vọt 85% từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022.
Tuy nhiên, nền công nghiệp metaverse chỉ mới ở giai đoạn đầu. Các công ty vẫn đang tìm kiếm chiến lược để thành công thu hút sự tham gia của khách hàng. Theo sau đó là những bước cần thiết từ các chuyên gia trong ngành để có một kế hoạch lớn hiệu quả cho metaverse.
Làm thế nào để giúp doanh nghiệp sẵn sàng tham gia metaverse
Nền tảng của bất kỳ chiến lược kinh doanh thành công nào chính là nghiên cứu. Để chuẩn bị tham gia metaverse, các công ty cần làm quen với mọi thứ liên quan đến metaverse, từ những điều cơ bản đến các cơ hội tồn tại trong vũ trụ ảo.
Rohit Talwar là tổng giám đốc điều hành của Fast Future, ông tư vấn giúp khách hàng trên khắp thế giới ứng phó với các thay đổi lớn. Ông đưa ra lời khuyên cho việc nghiên cứu như sau: “Hãy xây dựng một bức tranh về những metaverse đa dạng đang tồn tại, xem chúng khác nhau ra sao, hiện có những metaverse nào, sự cân bằng giữa chơi game và thư giãn cùng những hoạt động thương mại khác, những công nghệ nào dùng để xây dựng và truy cập chúng, và ai có thể giúp phát triển thương hiệu của bạn.”
Bước tiếp theo để chuẩn bị tham gia metaverse là lựa chọn một nền tảng. David Whelan - Tổng giám đốc điều hành của nền tảng tạo ra metaverse ENGAGE XR đã lập luận rằng khách hàng mục tiêu là yếu tố quan trọng khi lựa chọn nền tảng. Whelan nói: “trước đây, chúng tôi đã thấy những thương hiệu chạy sự kiện nhỏ trên các sản phẩm game - nơi có thể có 150 triệu người dùng, nhưng 90% đều dưới 12 tuổi và họ chỉ muốn “trêu chọc” nhau”.

Có nhiều lý do khiến các thương hiệu muốn thiết kế metaverse của riêng mình. Whelan nói: “các doanh nghiệp đang muốn có khả năng kiểm soát hình ảnh của mình và trải nghiệm của người dùng cuối (end user) khi tiếp xúc với thương hiệu”.
Một yếu tố khác nên cân nhắc là mức độ dễ tiếp cận và không bỏ sót khách hàng tiềm năng. Fraser Edwards - Tổng giám đốc điều hành và đồng sáng lập trang thanh toán điện tử cheqd nói rằng: “Cần cân nhắc nhiều yếu tố để có được trải nghiệm tốt nhất. Có nhiều lý do khiến Pokemon Go là trải nghiệm XR (thực tế mở rộng) của hầu hết mọi người, dù Oculus Rift đã ra đời vài năm trước. Hầu hết mọi người trên thế giới đều có thiết bị để chơi Pokemon Go, họ không cần mua thêm gì cả, và trò chơi thì đủ hay.”
Nhưng cũng như bất kỳ dự án phát triển nào khác, việc tham gia metaverse cũng tốn chi phí. Talwar khuyến nghị các thương hiệu nên trò chuyện với các nhà phát triển metaverse và hiểu về các chi phí liên quan. “Khi đã có hiểu biết về những điều này, chúng ta cần đánh giá xem mình có thể tự xây dựng một metaverse hay cần đến các đối tác bên ngoài, cùng mức độ đầu tư và thời gian cần thiết để thực hiện điều chúng ta muốn” - ông nói.
Theo Olga Andrienko - Phó Tổng giám đốc tiếp thị thương hiệu tại Semrush, hiện nay, việc tham gia metaverse không quá khả thi cho mọi doanh nghiệp bởi việc này đòi hỏi ngân sách cao. “Tôi nghĩ, hiện tại, chỉ những thương hiệu tiêu dùng và doanh nghiệp lớn đang theo đuổi cơ hội này, đơn giản vì các công ty nhỏ hơn vẫn đang phải đối diện với rất nhiều thử thách trong thế giới thực” - bà nói.
Tuy nhiên, Andrienko ước tính rằng trong vòng một năm, cơ hội cho các thương hiệu nhỏ sẽ bắt đầu xuất hiện.
Marketing trong metaverse

Metaverse đang thay đổi ngành marketing, mở ra một cách thức sáng tạo mới để bán sản phẩm và dịch vụ. Thay vì sử dụng biển quảng cáo hay quảng cáo online theo mục tiêu, các công ty ngày nay đã có cơ hội để người dùng chủ động tham gia vào thương hiệu của họ.
Andrienko đưa ra một danh sách dài những chiến thuật marketing khả thi trên metaverse, gồm đặt thương hiệu vào đó, website 3D, cung cấp các NFT sưu tập và bán trực tiếp. Bà cho biết công thức để phát triển một chiến lược marketing thành công là tìm ra điều mà doanh nghiệp làm tốt và sử dụng điều đó trong metaverse.
Hãy lấy Dolce & Gabbana làm ví dụ: thương hiệu thời trang cao cấp này đang phát triển những trang phục xa xỉ cho metaverse. Trong khi đó, McLaren đang cho người hâm mộ cơ hội lái chiếc xe F1 mới của họ trong nền tảng game online Roblox.
—
Một yếu tố quan trọng cần cân nhắc là đảm bảo chiến dịch marketing không khiến cộng đồng phản cảm bởi điều này có thể dễ dàng làm mất uy tín thương hiệu. Andrienko nhắc đến chiến dịch vaccine của Pfizer ở Brazil như một ví dụ không-gây-khó-chịu: “Họ cho các game thủ đã tiêm vaccine của trò Grand Theft Auto một huy hiệu màu xanh dương trong metaverse, và điều đó thật tinh tế.”
Một chiến thuật khác là phát triển mối quan hệ cộng tác với các metaverse khác, hay thậm chí là người dùng. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc khuyến khích người dùng tự tạo nội dung hoặc hợp tác với người của công chúng để tăng độ nhận diện thương hiệu.
Trong khi các doanh nghiệp được tự do lựa chọn chiến lược cho mình, cần đảm bảo rằng thương hiệu nằm ngay trung tâm của bất kỳ hoạt động marketing nào. Al Nolan - Trưởng cố vấn kỹ thuật tại công ty cố vấn Bottle Rocket nói rằng: “Một khi bạn nhảy vào chỉ vì phản ứng FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ), bạn sẽ thử mọi cách để quảng cáo bởi bạn chỉ đang làm những gì mọi người làm. Rất khó để bạn đưa thông điệp của thương hiệu mình vào những chiến lược này.”
Nolan khuyên các doanh nghiệp nên “đóng gói thông điệp” trong bất kỳ sản phẩm metaverse nào và ông nói rằng, để thành công trong lĩnh vực này thì sự sáng tạo và đầu tư của công ty rất quan trọng.
Kiếm tiền trong vũ trụ ảo

Nền tảng mới cũng mang lại nguồn doanh thu mới. Quy mô của nguồn doanh thu mới này vẫn còn đang tranh cãi, nhưng các doanh nghiệp vẫn có rất nhiều cách để tận dụng nó.
Các thương hiệu bán lẻ có tiềm năng lớn nhất và ứng dụng rõ ràng nhất trong metaverse. Họ có thể bán sản phẩm thực tế trên nền tảng này, dù là thương mại điện tử hay thực phẩm mang đi. Những thương hiệu này cũng có thể bán sản phẩm ảo như sản phẩm kỹ thuật số mang trên người (wearable) hoặc bộ sưu tập NFT.
Chris Hunte là đồng sáng lập Plug Forward - một công ty được thành lập để giúp người làm sáng tạo kiếm tiền từ sản phẩm của mình, ông nói: “Các thương hiệu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ có cơ hội thuê đất, nhà và mặt tiền để mang cửa hàng ảo của họ lên metaverse. Họ có thể kiếm tiền từ khách hàng bằng cách bán các sản phẩm NFT như quần áo, giày dép và tranh vẽ cùng nhiều thứ khác, bởi người dùng sẽ muốn tùy chỉnh ảnh đại diện của mình cho giống với trong đời thực hơn.”
Hunte cũng chỉ ra những cơ hội sáng tạo hơn cho doanh nghiệp: “Các thương hiệu sẽ có cơ hội để kiếm tiền từ người hâm mộ, ví dụ như thông qua nâng cấp trò chơi, dịch vụ đăng ký và bán vé tham gia các nhạc hội ảo…”
Các doanh nghiệp bán sỉ cũng có cơ hội phát triển. Nolan chỉ ra một ví dụ trong thế giới thực: Kiva System - một công ty chuỗi cung ứng được Amazon mua lại để cải thiện đáng kể chuỗi cung ứng của họ: “Chính các tổ chức đã tạo ra những lợi ích, cải tiến, công cụ tăng tốc độ và tính hiệu quả trong thế giới kỹ thuật số mà một khi việc thu mua được thực hiện, chúng ta sẽ bắt đầu thấy những thành quả to lớn.”
Một báo cáo về metaverse gần đây của JP Morgan cho biết metaverse có thể thực sự giúp cho chuỗi cung ứng trong thực tế. Các nhà sản xuất có thể thử sản phẩm trong vũ trụ ảo với mức chi phí thấp hơn, hay thậm chí xây dựng phiên bản kỹ thuật số để kiểm tra tính hiệu quả của nhà máy.
Nolan nghĩ rằng các công ty có thể tiến xa hơn và sử dụng khả năng này để cải thiện sức khỏe cho người lao động trong kho hàng. Ông nói: “Đây là cơ hội để tạo ra các thế giới, kho hàng, cửa hàng bán lẻ, chuỗi cung ứng bên thứ ba. Có một cách để giúp người lao động hạnh phúc, tham gia, tích cực, khỏe mạnh. Cơ hội kiếm tiền cũng đang mở ra với các kiến trúc sư tạo ra những mô hình đó.”
Tương lai cho các doanh nghiệp trong metaverse
Quảng cáo Google và Facebook đã thay đổi ngành marketing và mô hình kiếm tiền của hầu hết các doanh nghiệp. Metaverse có thể sẽ tiếp tục làm điều tương tự, là bước tiếp theo cho chiến lược kỹ thuật số của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những vũ trụ ảo này vẫn còn một chặng đường dài trước khi đạt hiệu quả tốt nhất. Nolan nói rằng trước tiên, các nhà phát triển metaverse cần giải quyết vấn đề danh tính kỹ thuật số. Cách thuận tiện nhất để mọi người tương tác trong lĩnh vực này là có một danh tính cá nhân độc lập mà họ có thể sử dụng từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác.
“Chỉ có một “tôi” duy nhất” - ông nói - “Thế nên không cần phải đăng nhập nhiều lần. Tôi nên được phép mang tài khoản đăng nhập đó đi khắp nơi và lấy lại khi đã hoàn tất một trải nghiệm.”
Metaverse có rất nhiều tiềm năng để thay đổi cách khách hàng tương tác với các thương hiệu, nhưng lĩnh vực này vẫn còn mới. Những công ty lớn như Meta đã công bố tham gia vào không gian này, nhưng vẫn chưa phát hành nền tảng của riêng mình. Một khi lượng người dùng bắt đầu leo thang mạnh mẽ, các doanh nghiệp có thể thực sự nhận ra những cơ hội này.
Câu hỏi thường gặp
Metaverse có triển vọng không?
Có rất nhiều nền tảng metaverse đang tồn tại. Roblox, Decentraland, Sandbox, Cryptovoxels và Somnium Space đang dẫn đầu trong ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, có một làn sóng các nền tảng mới đang được tạo nên, gồm các metaverse của các công ty từ Facebook đến Disney.
Nên làm gì để chuẩn bị tham gia metaverse?
Các doanh nghiệp có rất nhiều cách để chuẩn bị tham gia metaverse. Các thương hiệu nên lên kế hoạch làm thế nào để đưa thông điệp vào chiến lược marketing và sản phẩm. Doanh nghiệp cũng có thể tìm cảm hứng từ các ví dụ trước kia, như huy hiệu xanh dương của Pfizer dành cho những người chơi đã tiêm vaccine. Nghiên cứu, sáng tạo và sự đầu tư sẽ là chìa khóa để thành công trong lĩnh vực này.
Doanh nghiệp của bạn có nên chuẩn bị tham gia metaverse?
Các chuyên gia gợi ý rằng doanh nghiệp nên chuẩn bị tham gia metaverse. Nếu các thương hiệu chỉ hành động không suy xét, những nỗ lực của họ có nguy cơ sẽ không chạm được đến khách hàng mục tiêu.